Trong thiết kế nội thất, ngoài những thành phần chủ yếu là sắp xếp và lựa chọn vật dụng hợp lý thì việc sử dụng ánh sáng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Việc sử dụng ánh sáng hợp lý vừa có thể tạo nên điểm nhấn của căn phòng vừa có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí sử dụng điện năng.
Các phương pháp sử dụng ánh sáng trong thiết kế nội thất
_ Chiếu sáng toàn cảnh: Thường thay thế hay bổ sung cho nguồn ánh sáng tự nhiên. Ban ngày, có thể thực hiện việc này bằng cách lấy sáng qua hệ thống các cửa sổ. Vào buổi tối, với mục đích thay thế hay bổ sung cho nguồn chiếu sáng tự nhiên, cần bố trí ánh sáng đều khắp, độ sáng vừa phải, có thể dùng hệ đèn trần để tạo nên hiệu quả này. Không chọn các màu ánh sáng quá nóng.
_ Chiếu sáng tập trung: Trên nền ánh sáng chung dịu nhẹ, có thể bố trí thêm những dải sáng để tạo nên vẻ đẹp nổi bật hay linh thiêng cho không gian (áp dụng trong nội thất công trình bảo tàng, công trình văn hóa và tôn giáo…). Ban ngày, tại các các không gian phụ như sảnh tối, không gian tiểu cảnh dưới chân cầu thang, không gian bếp, chỉ cần thêm một số ô cửa kính nhỏ lấy trực tiếp nguồn ánh sáng rọi vào là có thể tạo nên hiệu ứng ánh sáng hấp dẫn. Buổi tối, có thể sử dụng các loại đèn tường, đèn bàn, những thứ đèn chiếu nhỏ có khớp xoay hướng chiếu để tạo hiệu quả. Tuy nhiên chỗ đọc sách, làm việc, đặc biệt là khu vực cần soi rõ chi tiết thì thường dùng bóng đèn sợi đốt để khỏi hại mắt.
_ Chiếu sáng làm nổi bật: Dùng khi cần “nhấn” chi tiết kiến trúc, bảng hiệu logo khu vực lễ tân tiếp khách, các vật mẫu trưng bày triển lãm, góc bài trí hay tranh treo tường. Có thể dùng những loại đèn chiếu halogen trượt trên giá hay âm tường/tủ để tập trung một hoặc hai nguồn sáng nhỏ trực chỉ đến điểm muốn thể hiện. Đôi khi chỉ một cây đèn có chân đặt vào không gian đã chọn sẽ làm bật lên khung cảnh mà chiếu sáng toàn cảnh không biểu hiện được.
_ Chiếu sáng theo cường độ: Là độ mạnh nhẹ của ánh sáng. Trong một không gian sống đòi hỏi nhiều cảm xúc và hoạt động khác nhau, không nên dùng loại đèn chỉ cung cấp một cường độ ánh sáng. Nguồn sáng chung trên cao là chưa đủ, cần nhiều tầng ánh sáng để đáp ứng cả yêu cầu mỹ thuật cũng như công năng của bất kỳ căn phòng nào. Với những tác phẩm mỹ thuật hay đồ vật ưa thích, chẳng hạn như tranh treo tường…, để làm nổi bật chúng lên, ánh sáng nên rọi thẳng và có cường độ mạnh nổi bật hơn để nhấn mạnh điểm cần chiếu sáng. Dải ánh sáng với những luồng chiếu xoay chuyển được là một giải pháp thực tế cho phép bạn dễ dàng thay đổi được hướng ánh sáng muốn nhấn mạnh.
Lưu ý khi sử dụng ánh sáng trong thiết kế nội thất
– Để có được một ngôi nhà với tất cả các phòng có ánh sáng hợp lý đòi hỏi khi thiết kế nhà phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố tự nhiên như hướng đất, hướng gió, hướng ánh sáng để bố trị hợp lý về thông thủy và mọi không gian trong nhà đều có được sự thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên một cách hài hòa, khoa học nhất.
– Việc sử dụng nguồn sáng tự nhiên trong thiết kế nội thất sẽ làm cho căn phòng trở nên thoáng hơn, rộng hơn và làm nổi bật những vật thể trong phòng cùng với việc tiết kiệm được chi phí điện năng so với việc sử dụng đèn điện.
– Trong thiết kế nội thất, người ta thường sử dụng kết hợp cả ánh sáng trực tiếp và ánh sáng gián tiếp. Với các căn phòng có diện tích lớn, đặc biệt đối thiết kế nội thất phòng khách có thể sử dụng 1 đèn chùm lớn ở giữa căn phòng cùng với nhiều đèn hắt từ trên trần xuống kết hợp với bóng đèn nhỏ ở các góc nhà. Tuy nhiên đối với những căn phòng nhỏ như phòng ngủ hay phòng tắm thì nên sử dụng các loại đèn neon để làm giảm nhiệt cho căn phòng.
– Để sử dụng ánh sáng một cách hiệu quả đòi hỏi các kiến trúc sư phải lên ý tưởng từ trước, để biết được khu vực nào cần chiếu sáng, sử dụng nguyên lý chiếu sáng nào, mục đích chiếu sáng là gì, dùng ánh sáng loại gì, màu sắc, vị trí nguồn sáng…Từ đó mới hình thành cơ sở để chọn những kiểu đèn, loại bóng đèn phù hợp. Một thiết kế chiếu sáng không tốt có thể làm hỏng không gian, hay thiết kế quá phức tạp có thể gây lãng phí và khó khăn khi sử dụng.
Trích: Xây Dựng TP
Nguồn: Tổng hợp