Cửa sổ được xem là đôi mắt của ngôi nhà, kết nối giữa cuộc sống riêng tư bên trong với thiên nhiên tư do phóng túng bên ngoài
Cửa sổ có chức năng thu hút ánh sáng và không khí tự nhiên vào nhà nên khi thiết kế cửa sổ, dù là bất kỳ không gian kiến trúc nào, các kiến trúc sư cũng đều lấy sự đối lưu không khí làm trọng tâm, đảm bảo kích thước và số lượng cửa sổ vừa phải, cân đối. Cửa sổ có kích thước quá to sẽ làm nhiễu loạn trường không khí trong nhà, còn nếu quá nhỏ sẽ làm hạn chế tầm nhìn; ngược lại, nếu nhà có quá ít cửa sổ sẽ khiến không khí không thể lưu thông, gây nên tâm lý ức chế ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe người trong nhà.
Mỗi không gian sống có một chức năng riêng nên việc bố trí cửa sổ sao cho thật hợp lý với từng không gian có ý nghĩa rất quan trọng. Phòng khách là nơi cần có hệ thống cửa sổ lớn để tiếp nhận được nhiều ánh sáng, đem lại cảm giác thoáng đãng. Nếu nhà bạn được thiết kế sẵn một sân vườn với hoa cỏ xanh mát thì đừng ngần ngại trổ cửa sổ lớn để chan hòa với thiên nhiên.
Trong không gian phòng ngủ, cửa sổ không nên bố trí ở đầu giường hay vị trí đón nắng hướng tây để tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mặt người đang nằm ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Với phòng ngủ của trẻ, để đảm bảo an toàn, cửa sổ nên được thiết kế với kích cỡ vừa phải, không quá to và phải cao hơn tầm với của trẻ hoặc có song sắt, lưới bảo vệ.
Các đồ nội thất như tivi, hệ thống ổ điện, máy móc không nên đặt gần cửa sổ để tránh các hiện tượng tự nhiên làm chúng dễ hư hỏng.
Đối với đứa trẻ lớn, cửa sổ sẽ tập trung vào góc học tập, làm việc để tạo đủ nguồn sáng, tránh các bệnh về mắt
Trong nhà bếp, cửa sổ sẽ giúp bạn tải đi không khí ngột ngạt, nóng bức do việc nấu nướng gây ra; đồng thời hứng lấy nguồn sáng thoáng đãng, góp phần vào bữa ăn ấm cúng của gia đình.
Cửa sổ trong phòng vệ sinh cũng rất cần thiết cho việc thông thoáng, làm khô mặt sàn, giúp thoát mùi và tránh ẩm mốc. Bạn có thể mở rộng tối đa kích thước cửa sổ trong phòng tắm nhưng vẫn phải đảm bảo được sự kín đáo, tránh làm mất đi tính riêng tư.
Cửa sổ trên lối đi, hành lang cầu thang hướng ra sân vườn sẽ tạo khung cảnh đầy lãng mạn và thư giãn
Việc trang trí, làm đẹp cửa sổ sẽ để lại những hiệu ứng bất ngờ, thú vị cho ngôi nhà của bạn. Màu tường bên cạnh cửa sổ phải phù hợp với màu rèm, khung cửa và các vật dụng, trong đó các gam màu dịu dàng, mát mắt như tím nhạt, xanh nhạt, hồng tươi thường được lựa chọn để tạo cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu.
Rèm cửa là một trong những yếu tố quan trọng để điều chỉnh ánh sáng, ngăn bụi và đem lại vẻ đẹp cho cửa sổ với các họa tiết và màu sắc phù hợp. Một số chất liệu rèm từ thiên nhiên rất được ưa chuộng như tre, trúc, rèm cuốn bằng chất liệu cây đay, tơ cỏ, giấy…Lưu ý, với những căn phòng nhỏ hẹp, bạn không nên dùng rèm cửa quá dày và tối màu sẽ khiến căn phòng thêm u tối, ẩm thấp. Ngược lại, nếu cửa sổ khuất hướng nắng, ít ánh sáng nên dùng loại rèm có chất liệu mỏng, mềm mải và màu sắc nhạt như satin, lụa..
Một số loại cây nở hoa quanh năm, dễ chăm sóc cũng thường dùng để trang trí cho các loại cửa trượt, cửa chớp, cửa mở vào bên trong làm tăng cảm giác gần gũi với thiên nhiên, tạo nên một không gian nên thơ, lãng mạn. Đối với những khung cửa sổ thấp, gần mặt đất bạn có thể trồng những loại cây leo như cây tigôn, hồng leo… và làm dàn xung quanh khung cửa sổ để tạo hình ảnh về một khung cửa cổ điển.
Những vật dụng khác như khung ảnh, đồ lưu niệm, chuông gió.. sẽ tạo thành góc thư giãn tuyệt vời bên cửa sổ sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng những vật dụng nhỏ làm cho khung cửa lộn xộn, ngăn cản ánh sáng, khó khăn khi đóng cửa và lau dọn.
(Bài viết có tổng hợp tài liệu bên ngoài)