Việc lựa chọn không gian bếp mở hay kín tùy thuộc vào sở thích và phong cách sống của mỗi người. Vì mỗi sự lựa chọn đều có ưu và khuyết điểm riêng nên bạn cần cân nhắc thật cẩn thận trước khi đưa ra quyết định.
Không gian bếp mở
Không gian bếp mở tạo sự thuận tiện cho việc giải trí, cho phép bạn kết nối và tương tác với khách ngay cả khi bạn đang thực hiện công việc bếp núc. Kết cấu này rất phù hợp với những ngôi nhà phố hiện đại, không nhiều diện tích.
Không gian bếp mở còn tận dụng sự phát quang tốt hơn. Nói 1 cách khác, khu vực bếp sẽ sáng sủa hơn rất nhiều khi bạn giảm bớt những bức tường khô cứng bởi nguồn ánh sáng tự nhiên đến từ phòng ăn hoặc phòng bếp, nơi thường được bố trí các cửa sổ thông gió lớn.
Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, chi phí để dỡ bỏ những bức tường hoặc giải quyết các thiết bị điện có thể gây sự lãng phí không cần thiết. Nó đòi hỏi sự đầu tư về kinh phí để trang bị các vật dụng nội thất mới hoặc để đạt được những không gian theo đúng sở thích ban đầu.
Một sự bất tiện khác liên quan đến tiếng ồn và mùi. Một không gian bếp mở hoàn toàn không có sự ngăn cách giữa nơi nấu nướng và nơi sinh hoạt chung, mùi thức ăn, khói và tiếng ồn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến không khí của toàn bộ ngôi nhà.
Ngoài ra, sự riêng tư hạn chế đòi hỏi bạn phải thường xuyên dọn dẹp và đảm bảo sự ngăn nắp nếu không muốn các vị khách đến thăm nhìn thấy những chén dĩa để lộn xộn, dơ bẩn.
Không gian bếp đóng
Lợi ích rõ ràng nhất của không gian bếp kín là nó cho phép sự riêng tư nhiều hơn. Bạn có thể để đống chén dĩa chưa rửa cả ngày mà không lo ngại bất kỳ ánh nhìn nào.
Tuy nhiên, khu vực nấu nướng bị tách biệt sẽ ngăn cản sự tương tác giữa chủ nhà với khách. Hơn thế nữa, bếp kín còn gây cảm giác gò bó, bí khí với tiếng ồn, khói và mùi thường xuyên xuất hiện.
Vậy nên, nếu bạn ưu tiên tính giải trí và sự thoải mái thì các không gian bếp mở, thoáng đãng là sự lựa chọn hợp lý.
(Lược dịch: http://www.homedit.com/what-are-the-advantages-of-an-open-kitchen/)